Tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non: xây dựng thực đơn đúng cách cho trẻ
Tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non là yếu tố rất quan trọng để xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân đối. Trong giai đoạn từ 3-5 tuổi, dinh dưỡng chính là nền tảng thiết yếu giúp trẻ phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Bên cạnh đó, tháp dinh dưỡng còn giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống khoa học và đa dạng. Bài viết dưới đây của Notopi sẽ giúp cha mẹ và nhà trường hiểu rõ hơn về tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non.
1. Tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non là gì?
Tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non là một mô hình có dạng tháp. Mô hình này cung cấp thông tin về các nhóm thực phẩm được chuyên gia khuyến nghị trong bữa ăn hàng ngày của con trẻ. Dựa vào tháp này, cha mẹ và người chăm sóc có thể lên thực đơn cho trẻ một cách hợp lý, đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Bên cạnh đó, có thể lựa chọn dễ dàng các thực phẩm thích hợp cho sự tăng trưởng và nhu cầu của trẻ nhờ vào tháp dinh dưỡng. Điều này sẽ khiến trẻ ăn ngon hơn, từ đó tạo thành thói quen ăn uống đa dạng.
Ngoài ra, tháp dinh dưỡng còn xác định những thực phẩm không nên cho trẻ ăn nhiều. Điều này sẽ giúp cân đối lượng thức ăn tiêu thụ và đảm bảo trẻ không bị mất cân bằng dinh dưỡng. Mỗi độ tuổi khác nhau sẽ có những tháp dinh dưỡng khác nhau. Do đó cần xây dựng cho con trẻ thói quen ăn uống cân bằng và khoa học.
2. Ý nghĩa của tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non có đáy rộng và đỉnh tháp nhọn dần lên đến đỉnh. Theo tháp dinh dưỡng này, trẻ trong độ tuổi mầm non cần được cung cấp đủ 5 nhóm chất chính. Các nhóm chất này bao gồm: chất đạm, chất bột, chất béo, vitamin, khoáng chất và được phân thành 7 nhóm thực phẩm. Mức độ ưu tiên sử dụng của mỗi nhóm thực phẩm trong từng tầng sẽ tăng dần từ trên xuống. Khối lượng thực phẩm trong tháp sẽ tương ứng với số lượng thực phẩm trẻ cần ăn trong một ngày.
Các tầng tháp bao gồm:
- Tầng 1: nhóm gia vị mặn và ngọt (muối và đường)
- Tầng 2: các thực phẩm cung cấp chất béo
- Tầng 3: sữa và các sản phẩm từ sữa
- Tầng 4: các thực phẩm giàu chất đạm
- Tầng 5: các loại rau, quả
- Tầng 6: ngũ cốc
- Tầng 7: nước
Nhóm thực phẩm ở các tầng dưới chân tháp cần được tiêu thụ nhiều hơn so với các tầng tháp phía trên đỉnh. Tầng trên cùng ở đỉnh nhọn của tháp là các thực phẩm nên hạn chế tiêu thụ để đảm bảo sự phát triển tối ưu cho trẻ.
Nhóm gia vị mặn và ngọt
Đường và muối nằm ở đỉnh tháp, đây là nhóm thực phẩm có thứ tự ưu tiên ở vị trí cuối cùng. Điều này có nghĩa là trẻ vẫn cần hấp thụ đường và muối nhưng ở mức rất hạn chế. Nếu không sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Theo tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non, trẻ cần dưới 3g muối và dưới 15g đường mỗi ngày. Trong đó muối là nguồn cung cấp iot chính cho cơ thể.
Các thực phẩm cung cấp chất béo
Ở độ tuổi này, trẻ vẫn cần khoảng 5 đơn vị chất béo mỗi ngày. Mỗi đơn vị tương ứng với 5g mỡ, 5g dầu ăn hoặc 6g bơ. Đặc biệt, cha mẹ có thể lựa chọn dầu ăn cá hồi để tăng cường sức khỏe cho con.
Sữa và các thực phẩm từ sữa
Đối với trẻ từ 3-5 tuổi, mỗi ngày cần cho bé hấp thụ đủ 4 đơn vị sữa để đảm bảo sự phát triển toàn diện. Mỗi đơn vị sữa tương ứng với khoảng 100ml sữa tươi hoặc sữa bột pha (½ cốc), 100g sữa chua (1 hộp) và 15g phô mai (1 miếng).
Các thực phẩm giàu chất đạm
Nhóm chất đạm (protein) gồm đạm thực vật (các loại hạt) và đạm động vật (thịt đỏ, hải sản, trứng). So với đạm động vật, đạm thực vật có tác dụng tốt cho sức khỏe của trẻ hơn. Tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý cân đối giữa hai loại đạm để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Trong giai đoạn từ 3 -5 tuổi, chất đạm có vai trò giúp trẻ phát triển hài hòa về tinh thần lẫn thể chất. Mỗi ngày, trẻ mầm non cần tiêu thụ khoảng 3,5 đơn vị đạm. Mỗi đơn vị khoảng 35g thịt lợn nạc, 34g thịt bò, thịt lớn, khoảng 40-50 thịt gà, 35g thịt cá và 47g trứng.
Các loại rau, quả
Rau, quả là yếu tố không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ. Đây là nguồn dinh dưỡng tự nhiên mà không cần phải chế biến quá nhiều. Mỗi ngày, cần cho trẻ hấp thụ đủ 2 đơn vị rau và 2 đơn vị quả. Mỗi đơn vị rau hoặc quả tương ứng với 80g rau quả.
Ngũ cốc
Ngũ cốc là nhóm thức ăn quan trọng. Đây là nguồn cung cấp tinh bột chủ yếu cho trẻ và giúp chuyển hóa năng lượng để hoạt động cả ngày dài. Trẻ trong độ tuổi mầm non cần được cung cấp 5-6 đơn vị ngũ cốc mỗi ngày. Mỗi đơn vị tương đương với 55g cơm trắng (khoảng một nửa bát con), một ổ bánh mì khoảng 27g, 95g khoai tây hoặc 84g khoai lang.
Nước
Trong Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi của Bộ Y tế, cần cho trẻ uống 1,3 lít nước mỗi ngày, tương đương với 6 cốc nước 220ml. Đặc biệt trong những ngày hè oi nóng, cha mẹ cần bổ sung thêm nước uống cho trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lượng nước này đã bao gồm các loại sữa và nước ép trái cây.
3. Nguyên tắc xây dựng thực đơn dựa trên tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Cung cấp đủ năng lượng cần thiết
Do đặc trưng về độ tuổi, trẻ mầm non có thể vui chơi và chạy nhảy cả ngày. Do vậy, cha mẹ cần cung cấp đa dạng cho trẻ các nhóm chất cơ bản, đặc biệt là nước, tinh bột, chất xơ, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Những chất này sẽ chuyển hóa thành năng lượng để trẻ hoạt động và phát triển. Trung bình, trẻ sẽ cần tiêu thụ khoảng 1.230 – 1.320 kcal mỗi ngày.
Lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi lên thực đơn chính là lựa chọn nguyên liệu. Cha mẹ và nhà trường hãy chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng, siêu thị uy tín, chất lượng. Đối với thực phẩm tươi, tuyệt đối không chọn đồ ôi thiu, hư hỏng.
Trong vài trường hợp, một số trẻ có thể bị dị ứng với các loại thực phẩm như trứng, sữa hay hải sản. Do đó, cần theo dõi phản ứng của trẻ khi ăn một món mới. Nếu như có bất kì một phản ứng xấu nào, ngay lập tức cho trẻ ngừng ăn. Trong trường hợp nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và theo dõi.
Đa dạng thực phẩm
Khi xây dựng thực đơn, nên cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thức ăn để thay đổi khẩu vị. Điều này sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Cần lưu ý, chế độ dinh dưỡng tiêu chuẩn dành cho trẻ nhỏ sẽ khác so với người trưởng thành.